Có bị xử phạt không khi chơi bài giải trí tại nhà mà không đánh tiền?
1. Các vấn đề liên quan đến việc đánh bài tại nước ta hiện nay:
– Qua các thế kỷ, đánh bài đã trở thành một trò chơi phổ biến và được ưa thích không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
– Xét trên khía cạnh là một trò chơi, đánh bài chỉ là giá trị giải trí đơn thuần. Theo đó, người chơi sẽ gộp thành một nhóm 4 đến 6 người , chơi với nhau. Ai thua sẽ bị phạt, phương thức phạt tùy theo sự thỏa thuận, lựa chọn của mọi người. Như vậy, bản thân hành vi đánh bạc ban đầu chỉ là trò chơi. Nhưng về nhau, mọi người thương mại hóa nó lên, biến nó thành một trò chơi ăn tiền.
– Đánh bạc có nhiều tên gọi, được thực hiện dưới nhiều hình thức chơi khác nhau: Tổ tôm, xóc đĩa, lốc, tiến lên,.. Con người sử dụng hình thức chơi này để đặt cược tiền của mình vào đó. Thắng thì sẽ nhận được tiền, thua thì sẽ mất tiền.
– Hiện nay, hình thức đánh bài ăn tiền diễn ra khá phổ biến tại nước ta. Đặc biệt là các dịp lễ tết. Đây chính là một trong những lý do người ta gọi đánh bài là đánh bạc. Tức, mục đích của việc chơi không phải để giải trí đơn thuần, mà nó hướng tới việc thu lợi bất chính.
– Đánh bài đem đến những hậu quả nhất định cho cá nhân và xã hội. Cụ thể như sau:
+ Khi tham gia hoạt động đánh bạc, người chơi sẽ thực hiện đặt cược một khoản tiền nhất định của mình vào trò chơi. Nếu thắng sẽ có tiền, thua sẽ bị mất tiền. Hay có thể hiểu là lỗ, lãi. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của các cá nhân tham gia, và cả người nhà của họ. Hiện nay, có rất nhiều trường hợp người dân rơi vào tình cảnh phá sản do chơi cờ bạc. Gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Giá trị sống của các cá nhân liên quan sẽ bị thu hẹp lại, đặc biệt là sự phát triển của con trẻ. Thực tế, chúng ta gặp không ít trường hợp người dân phải bán nhà bán cửa để trả nợ đánh bạc. Lúc này, gia đình sẽ không có nơi trú ngụ. Con trẻ cũng sẽ không được hưởng điều kiện phát triển tốt nhất.
+ Đánh bạc là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của hạnh phúc gia đình. Gia đình được tạo lập nên bởi tình yêu, được duy trì bởi tình yêu và nền tảng kinh tế. Cờ bạc khiến điều kiện kinh tế của gia đình các cá nhân tham gia kiệt quệ. Không có kinh tế, mâu thuẫn gia đình ngày càng gia tăng. Lúc này, hạnh phúc gia đình không còn được đảm bảo. Có rất nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ do bài bạc gây lên.
+ Đánh bạc gây ra tình trạng bất ổn, gây rối trật tự an toàn xã hội. Các cá nhân tham gia đánh bạc, sẽ không chú trọng đến việc lao động sản xuất. Đồng thời, khi điều kiện kinh tế không đảm bảo để chơi đánh bạc, các cá nhân sẽ thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật: Trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp giật,..
+ Hành vi đánh bạc còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của thế hệ trẻ. Khi con trẻ nhìn thấy người lớn chơi đánh bạc, tư duy của các em sẽ bị ảnh hưởng xấu theo. Lúc này, việc đánh bạc thu tiền ngấm sâu vào tiềm thức của các em. Khi lớn lên, tư duy tiêu cực đó sẽ tác động đến nhận thức và hành động của con trẻ, khiến chúng có những nhận thức sai lệch về giá trị của pháp luật. Trong một số trường hợp cụ thể, con trẻ sẽ học theo người lớn, chơi đánh bạc. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ trẻ vị thành niên bị bắt về tội đánh bạc ở nước ta đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng.
Chính vì những hậu quả nặng nề mà hành vi đánh bạc gây ra, nên pháp luật hình sự đã đưa ra những quy định cụ thể về việc xử lý tội đánh bạc.
2. Mức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan Nhà nước đưa ra:
2.1. Xử lý hình sự:
– Bộ luật hình sự 2015 đã đưa ra mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về tội đánh bạc. Cụ thể, Điều 321, Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội đánh bạc như sau:
+ Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
+ Cá nhân phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm.
+ Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2.2. Xử lý vi phạm hành chính:
– Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về hành vi đánh bạc trái phép như sau:
+ Đối các các hành vi mua các số lô, số đề, đối tượng vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
+ Đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau: Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật; Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác; Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.
+ Đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác; Che giấu việc đánh bạc trái phép.
+ Đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau: Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; Dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc; Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép; Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
+ Đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau: Làm chủ lô, đề; Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề; Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề; Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
+ Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn đứng trước những mức phạt bổ sung. Cụ thể như sau: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có đối với hành vi quy định tại Khoản 1; Khoản 2; Điểm a Khoản 3; Điểm b, c, d Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.
+ Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Có thể thấy, Nhà nước đã quy định khá cụ thể và chắc chắn về mức xử phạt về hành vi đánh bạc. Quy định định về mức xử phạt mà Nhà nước đưa ra mang tính răn đe cao, buộc các cá nhân phải tự điều chỉnh lại hành vi của mình. Từ đó, góp phần sâu sắc vào việc bảo đảm trật tự an ninh xã hội của quốc gia, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội.
3. Đánh bài giải trí tại nhà không ăn tiền có bị xử phạt không?
– Như đã phân tích ở trên, nguồn gốc của đánh bài là một trò chơi nhằm mục đích giải trí. Là do con người tự chuyển hóa nó thành hình thức đánh bạc nhằm thu nguồn lợi bất chính.
– Để có thể quy về tội đánh bạc, hoạt động chơi bài mà các cá nhân thực hiện phải đảm bảo những yếu tố nhất định. Điển hình là việc nó phải có dấu hiệu kinh tế. Tức người chơi sử dụng tiền làm tài sản thanh toán cho số lượt chơi thắng thua của mình. Nếu không không có dấu hiệu thu lợi bất chính, kinh tế tiền bạc, thì đánh bài vẫn được xem là trò chơi lành mạnh.
Như vậy, việc đánh bài giải trí tại nhà không ăn tiền thì sẽ không bị xử phạt.