Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao và Xúc tiến Thương mại
Quản lý độ pH phù hợp để nuôi cá nước ngọt
1.Ảnh hưởng pH đến đời sống của cá nước ngọt
pH – Yếu tố quan trọng trong nuôi cá nước ngọt
Các ảnh hưởng sinh hoá của pH đến vật nuôi cũng là nguyên nhân làm tăng ngưỡng oxy của vật nuôi khi pH giảm. Ví dụ: cá chép cỡ 0,5 kg/con, khi pH =7 ngưỡng oxy là 0,11 mg/lít, nếu pH =6 thì ngưỡng oxy là 0,22 mg/lít.
pH cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới quá trình chuyển hoá các chất trong nước, như làm ảnh hưởng tới độ kiềm, hoà tan hay làm kết tủa nhiều kim loại. Tuy nhiên, tác động chủ yếu của chúng đối với môi trường nước chủ yếu là làm ảnh hưởng tới sự chuyển hoá các loại khí độc như NH3,H2S trong nước. Hàm lượng khí NH3 tăng dần khi pH tăng và hàm lượng khí H2S tăng dần khi pH giảm. Để hạn chế độc tính của các loại khí độc này trong ao nuôi phải luôn duy trì pH ổn định từ 6,5-8,5.
2.Biến động của pH trong ao nuôi
-
- Biến động theo chu kỳ ngày đêm
Trong một ngày pH thường cao nhất vào khoảng từ 14-16h và thấp nhất vào rạng sáng từ 4-6h. Vào ban ngày, thực vật thuỷ sinh thực hiện quá trình quang hợp đã hấp thụ khí CO2 làm hàm lượng khí CO2 trong nước giảm thấp dẫn đến độ pH tăng. Ban đêm thực vật thuỷ sinh thực hiện quá trình hô hấp thải ra khí CO2, khí CO2 phản ứng với nước tạo ra axit carbonic làm nước chua dẫn đến độ pH giảm.
Cùng một điều kiện (độ kiềm, chất đáy …) nếu ao có mật độ tảo càng dầy thì mức độ dao động pH theo ngày càng lớn. Vào mùa hè, do các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng, các chất hoà tan …) thuận lợi nên thực vật thuỷ sinh phát triển mạnh làm độ pH của nước biến đổi mạnh. Vào mùa đông thì ngược lại do nhiệt độ thấp và cường độ chiếu sáng yếu nên thực vật thuỷ sinh kém phát triển, pH của nước thường ổn định hơn.
-
- Biến động theo tầng nước
Trong ao nước ngọt pH tầng mặt thường cao hơn tầng đáy. Mức độ chênh giữa pH tầng mặt và pH tầng đáy phụ thuộc vào lượng chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao, tính chất của đất đáy. Chất hữu cơ tích tụ nhiều do bón quá nhiều phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh), cho ăn không hợp lý… khi phân huỷ sẽ tạo ra axit cacbonic, các axit hữu cơ như axit humic, axit fulvic, H2S… làm pH của nước giảm thấp. Ở các vùng đất phèn nếu ao không được cải tạo tốt axit có thể thẩm lậu vào nước làm pH tầng đáy rất thấp.
Do đó cần kiểm tra pH hàng ngày để kịp thời điều chỉnh sao cho sự chênh lệch giữa sáng và chiều không quá lớn (Tối ưu không dao động quá 0,5 đơn vị).
Các biện pháp quản lý độ pH
– Để duy trì ổn định pH cần đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Cải tạo ao tốt trước khi thả nuôi.
+ Định kỳ bón vôi ổn định hệ đệm trong ao nuôi.
+ Kiểm soát sự phát triển của tảo.
+ Giảm thiểu sự gia tăng tích luỹ các chất hữu cơ trong môi trường ao nuôi.
– Khi pH thay đổi bất thường tuỳ theo tình hình thực tế có thể áp dụng các biện pháp sau:
+ Khi pH cao:
Thay nước sạch với lượng 20-30% tổng lượng nước trong ao.
Nếu pH > 8,5 vào buổi sáng, có thể dùng đường cát hoặc mật rỉ đường với liều lượng 0,3 kg/1.000 m2, tạt đều khắp ao. Đây được xem là phương pháp hạ pH trong ao nuôi hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Quan sát và điều khiển lại độ tảo trong ao, nếu lượng tảo phát triển quá lớn cũng sẽ làm ảnh hưởng đến độ pH trong ao nuôi. Không chỉ có tảo gây ra pH cao mà các loại thực vật thân nổi, có rễ cũng làm tăng pH của nước, vì vậy để hạ độ pH trong ao nuôi cũng cần phải diệt rong, cỏ dại và hạn chế tảo phát triển. Sử dụng các hoá chất diệt tảo như BKC hoặc dùng formol với liều lượng 3 – 4 ml/m3 phun đều quanh ao để giảm mật độ tảo thông qua đó hạ độ pH trong nước thấp xuống.
Ngoài ra, có thể sử dụng phèn nhôm Al2(SO4)3.14H2O, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì để giảm độ pH của nước.
Chạy quạt nước với công suất tối đa 24/24 để đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho ao. Mật độ thả thưa thì hàm lượng ôxy là 4 ppm, nhưng mật độ dày thì ôxy phải đảm bảo 6 – 8 ppm.
Ngoài ra khi pH tăng cao, do việc sử dụng vôi không hợp lý, cần phải giảm sử dụng các loại vôi.
+ Khi pH thấp
pH thấp trong ao nuôi thường do axit thẩm lậu từ đất phèn, axit bị rửa trôi sau các trận mưa giông, do tích luỹ quá nhiều chất hữu cơ hoặc do tảo tàn. Tuỳ theo nguyên nhân làm giảm pH và theo thực tế ta có thể áp dụng các biện pháp xử lý như sau:
-Đối với ao nuôi vùng đất phèn độ pH có thể giảm mạnh (<4,5) gây chết cá, do đó để quản lý pH thấp vùng đất phèn khi cải tạo aokhông nên phơi đáy ao nứt nẻ dưới ánh nắng mặt trời.
-Ao mới đào nên thường xuyên trao đổi nước, bón vôi (CaCO3 hay Dolomite) và bón phân.
-Khi pH thấp tuỳ theo điều kiện cụ thể có thể bón vôi, thay nước hay cấp nước mới.
-Khi pH thấp do tảo tàn, có thể thay nước rồi bón vôi nhằm đảm bảo độ pH và hệ đệm, vớt bỏ bọt không tan, sục khí liên tục và giảm cho ăn.
Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước ao. Trước những cơn mưa lớn cần rải vôi tôi Ca(OH)2 xung quanh bờ ao với lượng 10 – 20 kg/m2 để tránh hiện tượng pH giảm thấp đột ngột./.
Lê Thị Nhẫ – CNC